Thiếu Sanh mải miết xem sách, chàng cố xua
đuổi tất cả ý niệm tạp nhạp, để chăm chú vào những điểm cốt yếu của bài vở, vì
chàng nghe người ta bảo kỳ thi này khó lắm, ông chánh chủ khảo quá nghiêm khắc,
nếu tự lực không vững khó lòng đậu. Thế rồi chàng miên man nghĩ: “Chao ôi! Nếu
mình đậu, đậu Trạng nguyên thì oai biết mấy, nào là bộ áo mão thêu rồng, buổi
yến linh đình tại đại nội, vua sẽ trao tận tay chàng chén ruợu vàng để thưởng
tân khoa, và nhất là một nàng công chúa, ồ con vua thì phải biết rồi cứ thế, cả
cuốn phim sang quí tuần tự diễn trong tâm tư người hàn sĩ. Thành thử chàng định
xua đuổi bao ý nghĩ vẩn vơ, mà trái lại ý nghĩ vẫn kéo đến ồn ào làm chàng
chẳng đọc được trang sách nào cả. Chợt nhớ lại thật tế, Thiếu Sanh đứng dậy
vươn vai mỉm cười: Chà bậy quá!
Bỗng nghe xa xa có tiếng trẻ con la lên:
“ren, ren, ren, ren ngựa en (anh) đã về, cắt cỏ bồ đề cho ngựa en ăn”. Chàng
nhìn vọng ra xa, thì quả có tiếng nhạc ngựa thật, tiếng nhạc ngựa gần lần, rồi
dừng lại trước ngõ và rõ ràng một mỹ nhân trên bạch mã nhẹ nhàng bước xuống.
Chao ôi! Người đàn bà nào mà đẹp thế? Sang thế? Nét đẹp như Hằng Nga, phục sức
như tiên nữ. Mỹ nhân khoan thai tiến vào trước sân, chàng vội vàng sửa áo ra
tiếp người khách lạ.
Nhìn mỹ nhân bỡ ngỡ, vì thật chàng không
quen, cũng chưa hề gặp mặt.
Mỹ nhân biết ý chào trước: Thưa tiên sinh nếu
thiếp không lầm, thì chàng là Lý công tử người thiếp muốn gặp?
- Vâng, tôi là Lý Trọng Hiền, xin mời
tiểu thư quá bước vào nhà.
Song chàng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhà
mình không có một chỗ xứng đáng để người ngọc ngồi. Chỉ một bộ trường kỷ kê
giữa nhà là vật gia bảo còn lưu lại, nhưng lâu nay mải lo đèn sách để bụi bám
đầy. Thiếu Sanh lấy vội khăn lau qua, rồi mời mỹ nhân ngồi.
Nàng khép nép ngồi vào một góc trường kỷ, sau
khi chủ nhân đã an tọa.
- Thưa, chẳng hay tiểu thư tìm Trọng
Hiền tôi có việc gì ạ?
Mỹ nhân tỏ vẻ e lệ, nàng cúi đầu mân mê chiếc
quạt trên tay, rồi lại ngẩng nhìn chàng: Thưa công tử! Thiếp được nghe danh
công tử là bậc hiền tài nên mới tìm đến...
Chàng nghĩ thầm: tài thì thật ta chưa có, còn
hiền thì cũng không hiền chi, nhưng được nghe lời xưng tụng từ miệng mỹ nhân
thốt ra, chàng cũng cảm thấy khoan khoái.
Chàng khiêm tốn: Dạ Tiểu thư quá khen, tôi
không dám, mong tiểu thư cho biết nhã ý của người muốn tìm tôi?
Nàng nhỏ nhẹ lập lại câu nói trên: Thiếp vì
trọng mến hiền tài đã lâu, hôm nay thiếp đánh bạo đến đây định thưa với công tử
một...
Thiếu Sanh hồi hộp, chàng lặng lòng chờ nghe,
song khi mỹ nhân nói nửa chừng, thì bỗng đâu một tiếng ré lên, chàng hoảng hốt
nhìn ra...ồ quái lạ, một đống lù lù ngồi ngay trước sân, cách nhà chừng 4, 5
thước. Không biết trên trời rớt xuống, hay dưới đất đục lên răng chừ, mà dễ sợ
thế? Một con người, một con người ta thật sự. Nếu không có cái búi tóc rễ tre
lớn bằng củ hành tây, bới ngược lên xoáy thượng, vàng luốt như râu bắp, thì
chàng cũng không biết là đàn bà, áo xống rách như xơ mướp, người ta ngồi khoanh
tay rế, mặt úp vào bụng. Không biết người ta non hay tra, già hay trẻ? Nhưng
toàn thân của người ta cũng đủ cho chàng biết, đó là một người hủi, lác, vì sau
lưng áo rách lòi ra một màu da nổi vảy, và lầy lụa cả nước...
Người ta khóc ré lên giữa khi mỹ nhân nói nửa
chừng, nhưng lúc Thiếu Sinh bước ra thì người ta lại làm thinh, cứ ngồi một
đống y sì.
Chàng có ý khó chịu, đến bên: Này tiền đây
đứng dậy mà đi kiếm nhà khác. Nhưng không biết điếc hay câm, nghe hay không, mà
cứ ngồi lỳ lỳ, không trả lời trả vốn chi cả. Thiếu Sanh xích lại gần một chút,
nói to hơn: này tiền đây đứng dậy, cầm lấy, đứng dậy đi, tiền đây!
Người ta vẫn bất động và cứ khóc ri rỉ. Chàng
hơi bực mình, nhất là câu chuyện mỹ nhân đang nói dở mà chàng cần nghe. Chàng
cố nhẫn, nói đi nói lại hai ba lần: Này đứng dậy, tiền đây nì, đứng dậy cầm lấy
mà đi nhà khác chứ.
Nhưng người ta cứ làm thinh, cũng không chịu
ngẩng mặt lên. Bực mình, chàng để người ta ngồi đấy rồi vào với khách.
Mỹ nhân không lấy làm lạ, cũng không đá động
chi đến vấn đề người ta cả, nên chàng cũng giả lơ, rồi nhã nhặn đề khởi lại câu
chuyện lúc nãy.
Người đẹp cầm quạt phe phẩy nhẹ nhẹ, chiếc
kim thoa cài trên mái tóc rung rinh những hạt kim cương quí giá, lóng lánh,
càng tăng vẻ yêu kiều diễm lệ bội phần.
Thiếu Sinh say sưa nhắc: Xin Tiểu thư cho tôi
cái hân hạnh được nghe tiếp câu chuyện Tiểu thư định nói.
Mỹ nhân nhỏ nhẹ: Thiếp đến đây với mục đích
là xin tiên sinh cho thiếp được... Người ngọc nói chưa dứt, thì người ngoài sân
ré lên, lần này to hơn lần trước nhiều, làm át cả tiếng mỹ nhân.
Thiếu Sinh tức quá. Thật không biết quái vật
ở đâu hiện ra lựng lựng, mà báo đời thế? Ðành bỏ dở câu chuyện, chàng xin lỗi
mỹ nhân rồi đứng dậy ra sân, nhìn trước nhìn sau không có một bóng người để
mượn họ kéo cục nợ ra khỏi cửa, tức quá, lại khổ một nỗi nó lại ngồi ngay chính
chắn trước mặt mỹ nhân mới khen mình đó. Chàng giả đò đứng xây lưng vào nhà để
bớt thái độ hung hăng của mình. Rồi chàng trợn mắt, bặm môi cúi đầu vào tai
người ta: Tiền hí, áo hí, cơm hí? Ưng chi? Ưng chi??? Tiếng chàng tuy nhỏ nhưng
bao nhiêu căm tức đều dồn vào tiếng nói tuôn ra nên nghe rít lên dễ sợ.
Nhưng điếc không sợ súng, người ta cũng không
chịu trả lời ưng chi, và cũng không khóc ré lên như lúc nãy, mà cứ khóc thút
thít.
Song có thể gì gần người ta được, vì hôi quá,
lở lói khắp người thế kia, đụng đến thì gớm chết. Chàng đứng thẳng rồi lại cúi
xuống: Nì ưng chi? Tiền hí, áo hí, gạo hí? – Người ta vẫn bất động, vẫn khóc
thút thít.
Ðứng lâu với cục nợ này, thì lại bỏ khách
ngồi một mình và nhất là câu chuyện mỹ nhân, cứ bị con ma le này làm đứt đoạn,
nên chưa biết ngã ra ngã vào? Chàng sửa lại cử chỉ cho điềm đạm rồi đi vào.
Thấy mỹ nhân vẫn thản nhiên với vấn đề cục nợ ngoài sân, chàng yên tâm và cầu
cho người đẹp đừng để ý đến.
Thiếu Sinh xoa hai tay lấy lại bình tĩnh: Xin
Tiểu Thư cứ dạy tiếp ý định của Tiểu Thư. Lần này thận trọng hơn, chàng cúi đầu
lóng hết tâm tư để nghe tiếp câu chuyện của mỹ nhân sắp nói.
Người đẹp càng đẹp hơn, với dáng điệu dịu
dàng e lệ. Nàng xếp chiếc quạt ngà lại, và lần này nàng lại nói nhỏ hơn, có lẽ
là một vấn đề quan trọng cho đời nàng, vì thế nàng không thể có gan nói to
được.
- Thưa tiên sinh, đã hai lần câu chuyện
bị đứt ngang, nay thiếp xin thành thật nói lại, nghĩa là thiếp đến đây với mục
đích xin...
Nhưng tức ôi! Vẫn như hai lần trước, người
đẹp vừa nói đến đấy, thì ngoài sân người ta lại ré lên thất thanh.
Sự bất quá tam, không thể nhẫn được nữa, thôi
thì tam bành lục tặc tuôn ào như luồng gió lốc, chàng bước mạnh ra sân, và lần
này thì không dằng được, chàng đến xô mạnh người ta: Ðồ yêu báo đời, ưng chi?
Xin chi? Sao không nói? Khóc a? Khóc nì?...
Té ra không câm, cũng không điếc, người ta
chờ đụng đến mới khóc lóc kể lể: Chị ơi! Sao chị để cho người ta đánh em mà chị
ngồi làm thinh?
- Ai là chị ngươi? Chị ngươi là ai? Nói
mau! Gian xảo báo đời người ta hoài!... Người ta chỉ ngay vào mỹ nhân: Chị tôi
ngồi đó, chị tôi ngồi kia kìa...
Chàng ngơ ngác nhìn vào, thì mỹ nhân khoan
thai cầm quạt bước ra:
- Thưa tiên sinh, em thiếp thật đấy! Thiếp là Phước đức tiên
nữ, em thiếp là Tai họa nữ, hai chị em thiếp cùng một cha mẹ sinh ra và rất
thương yêu nhau “Hẹn cùng sống chết” theo nhau như bóng với hình, nên chỗ nào
thiếp đến thì em thiếp theo, và thiếp thề “Nếu thiếp lập gia đình thiếp cũng
không rời xa em thiếp được”.
Thiếu Sanh sững sờ, ngao ngán khi nghe người đẹp kể niềm đầu đuôi.
Chàng nghĩ: Mỹ nhân đến đây nói ba lần đều đứt đoạn. Chàng nhẩm
lại lời nàng nói: Thiếp đến để thưa với tiên sinh một... Tiên sinh cho thiếp
được... và mục đích là xin... thì chắc nàng muốn kết nghĩa trăm năm với ta. Mỹ
nhân đẹp lạ, sang quí tột bực nhưng sao cô em gái lại gớm ghiếc thế kia? Nội
một cái biệt hiệu “Tai họa nữ” cũng đủ chết người ta rồi, nếu ta nhận lời người
đẹp, khi nàng về với ta mà nàng na cả cục nợ ấy về cho ta nữa, thì ta cũng
chết.
- Thôi thôi ta cự tuyệt dứt khoát cho rồi. Bao nhiêu nhẫn lực
lúc nãy là vì mỹ nhân, nay đã không cần mỹ nhân nữa nên chàng cương quyết: Thôi
thôi tôi xin Tiểu thư, tôi xin tiểu thư, đừng chàng đừng thiếp đừng một... đừng
được... đừng xin... chi cả, mời đi mời đi !
Chủ đuổi ba cờ một quạt, khách kéo nhau đi không kịp ngó lui.
Chàng hầm hầm ngồi phịch xuống ghế: “Hừ, chàng chàng thiếp thiếp
đồ yêu báo đời !...”.
THÍCH NỮ THỂ QUÁN
“Thế gian chênh lệch này quả
không tươi đẹp như cánh hoa hồng. Nó cũng không tuyệt đối gai góc như cây hồng.
Hoa hồng dịu dàng, đẹp đẽ, và mùi thơm ngào ngạt, nhưng cái cây sanh ra nó thì
mình đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Cái gì thuộc về hoa là của hoa. Cái
gì thuộc về gai là của gai. Không vì hoa mà ta lao mình vào gai, cũng không vì
gai mà ta xa lánh hẳn hoa hồng”.